Sinh viên là một trải nghiệm thú vị mà những ai trải qua chắc chắn sẽ không bao giờ quên và mai này đôi lúc bất giác mỉm cười khi nhớ lại. Cuộc sống sinh viên xa nhà là những đêm thức trắng xem phim, đọc truyện, chơi game…để rồi sáng hôm sau lên lớp với cặp mắt gấu trúc và một tâm trạng uể oải.
Là những cuộc vui kéo dài triền miên sau giờ học để rồi vác chân lên cổ trong những ngày cuối cùng để ôn tập cho bài thi cuối kỳ…Tuy nhiên, với đa số những ai trải qua điều đó rồi sẽ có cảm giác hối hận vì sao lúc đó mình không học hành đàng hoàng, chăm chỉ tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thì giờ đây cuộc sống mình có thể khác rồi. Thật vậy, sinh viên là khoảng thời gian thoải mái nhất trong cuộc đời mỗi người, ở đó ta không còn bị cha mẹ quản ép như thời cấp 3, không gò bó giờ giấc như lúc đã đi làm. Nhưng ta lại vô cùng phung phí những năm tháng đó của tuổi trẻ vì không biết cách quản lý thời gian hiệu quả. Điều này càng quan trọng hơn đối với những bạn du học sinh vì khi ở nước ngoài có nhiều điều mới lạ, cám dỗ bạn vào một lối sống buông thả.
Để khắc phục điều này, bạn nên quản lý thời gian của bản thân một cách khoa học và hiệu quả. Sau đây là những mẹo giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn:
1. Liệt kê tất cả công việc cần phải làm:
Để quản lý thời gian một cách hiệu quả, trước tiên, bạn nên liệt kê tất cả các công việc mình cần phải làm. Hầu hết các bạn sinh viên đều chủ quan và cho rằng đây là bước không quan trọng. Tuy nhiên, bạn cần phải vạch ra một To-do-list về các bài tập, bài luận, deadline, môn kiểm tra, hoạt động ngoại khóa,( làm thêm)…để tránh tình trạng “quên bẵng đi mất” hoặc là “nước tới chân mới nhảy”.
2.Đánh giá mức độ ưu tiên:
Khi đã có được danh sách công việc cần hoàn thành, bạn nên đánh giá và phân chia mức độ ưu tiên đối với từng loại cụ thể.
Để tránh tình trạng quá tải và không biết phải bắt đầu từ đâu, có 4 loại công việc chính được đề cập trong phương pháp này:
- Quan trọng và khẩn cấp: Đây là những công việc thường cần phải hoàn thành ngay.
- Quan trọng nhưng không khẩn cấp: Mặc dù không yêu cầu làm ngay nhưng bạn phải hoàn thành đầy đủ vì tính quan trọng của các công việc này.
- Không quan trọng nhưng khẩn cấp: Đặc trưng của các loại công việc này là phải hoàn thành ngay lập tức, kể cả khi không liên quan đến kết quả cuối cùng mà bạn đã đề ra. Để thực hiện, bạn nên hoàn thành càng sớm càng tốt, có thể nhờ người khác giải quyết hoặc tìm cách từ chối, nói “không” với những vấn đề như vậy.
- Không quan trọng và cũng không khẩn cấp: Các công việc thuộc nhóm này thật sự không mang lại lợi ích cho bạn. Chính vì thế, bạn không nên lãng phí thời gian của bản thân cho các vấn đề không quan trọng và cũng không khẩn cấp.
Sau khi đánh giá mức độ ưu tiên, danh sách công việc của bạn sẽ được lọc lại một lần nữa. Điều này giúp cho quá trình thực hiện của bạn trở nên tối ưu hơn.
3. Lập thời gian biểu
Bạn gán các mốc thời gian cụ thể và deadline hoàn thành vào mỗi công việc một cách hợp lý nhất, tùy theo mức độ khó hay năng suất làm việc của bản thân. Việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn sử dụng các tiện ích như Google Calendar, Outlook…
Một kế hoạch hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát được quá trình rèn luyện và hạn chế tối đa những khoảng thời gian chết vô nghĩa.
4. Sử dụng thời gian một cách linh hoạt
Trong cuộc sống hằng ngày, sẽ có nhiều tình huống phát sinh mà bạn không thể ngờ tới. Chính vì thế, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra đúng như kế hoạch đã định sẵn. Do đó, bạn không nên quá cứng nhắc mà hãy linh hoạt sử dụng thời gian của mình một cách phù hợp nhất có thể.
5. Tránh trì hoãn và phân tâm
Trong quá trình thực hiện thời gian công việc đề ra, bạn sẽ không thể nào tránh khỏi những lúc phân tâm và bản thân tự tạo cho mình hàng loạt lý do để trì hoãn. Chính vì thế, để hạn chế tình trạng này, hãy suy nghĩ về những địa điểm và những thời gian giúp bạn tập trung nhất mà không bị các yếu tố bên ngoài hay suy nghĩ vẩn vơ làm bạn bị phân tâm. Còn để đối phó với việc trì hoãn không còn cách nào khác là bạn phải luyện tập để nghiêm khắc với bản thân mình hơn.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên tạo động lực cho bản thân để có thể vượt qua những cám dỗ nhất thời. Việc xem lại mục tiêu và nguyên nhân chính của mình khi đi du học là gì nên được ưu tiên. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xem một số video tạo động lực trên các trang mạng xã hội để những lý do trì hoãn không có cơ hội xuất hiện nữa.
6. Đánh giá kế hoạch thường xuyên
Bạn nên đánh giá kế hoạch một cách thường xuyên để biết được tình trạng hiện tại của bản thân, từ đó có những điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp.
7. Sắp xếp thời gian để thư giãn
Trong quá trình học tập, thực hiện công việc, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi thì đừng tự cố ép bản thân mà hãy làm nóng người bằng những bài tập thể dục đơn giản để giúp não bộ được nghỉ ngơi.
Khi cảm thấy căng thẳng và quá áp lực, bạn nên sắp xếp một buổi chiều để cùng bạn bè đi dạo, ăn tối, chia sẻ những khó khăn mà mình đang vướng phải. Điều này sẽ giúp cho tinh thần của bạn trở nên thoải mái hơn và có động lực để tiếp tục phấn đấu tốt hơn.
Quản lý thời gian là chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Hy vọng với những gợi ý trên, bạn có thể giảm được sự lo lắng, áp lực và gặt hái được kết quả tốt trong học tập và công việc.
Biên tập viên: Cẩm Phạm