Nhiều du học sinh thường bày tỏ nỗi lo khó thích ứng với thời tiết giá lạnh ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu biết cách giữ ấm thì mùa đông chỉ còn là chuyện nhỏ, cho dù bạn ở tận gần cực Bắc của địa cầu.
Điều kiện khí hậu là một trong những băn khoăn lớn nhất của các bạn trẻ khi chọn địa điểm du học. Thông thường mùa đông ở các nước phương Tây đều giá rét, nhiệt độ luôn tụt xuống mức âm và không phải ai cũng có điều kiện tới những nơi có thời tiết ôn hòa, lý tưởng. Bởi vậy, du học sinh cần nâng cao thể lực cũng như nắm chắc các “bí kíp” giữ ấm để đủ sức chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết mùa đông ở xứ người.
“Trang bị” đồ giữ ấm
Quần áo ấm chính là thứ không thể không có trong tủ quần áo của du học sinh xứ lạnh.
Về quần áo, các bạn nên chọn áo phao lông vũ có tính năng chống nước, vừa nhẹ lại vừa dễ dàng “ứng phó” với những hôm tuyết rơi dày. Mặc quá nhiều lớp quần áo là không cần thiết nếu đã sở hữu một chiếc áo phao dạng tốt, hạn chế được cảm giác cồng kềnh, nặng nề trong di chuyển. Đừng quên những chiếc mũ len ấm áp, bởi đa phần nhiệt độ cơ thể thoát ra từ đỉnh đầu và bạn càng dễ bị nhiễm lạnh nếu để đầu trần.
Chân và tay cũng là những bộ phận cần được giữ ấm nếu du học sinh không muốn mắc các bệnh về khớp khi còn quá trẻ. Thứ giày dép lý tưởng cho thời tiết này chính là boots có đế chống trơn trượt và ủng cao su. Và đương nhiên, đeo găng tay là điều bắt buộc cho những ai phải hoạt động ngoài trời.
Ngoài ra, miếng dán giữ nhiệt cũng là “vũ khí tối thượng” trong những ngày đông lạnh giá bởi độ tiện dụng cũng như khả năng giữ ấm lên tới 12h.
Tận dụng phương tiện công cộng
Vào thời điểm xuân – hè, các sinh viên có thể tiết kiệm chút đỉnh bằng cách đi bộ hoặc đạp xe từ nhà đến trường. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích vào mùa đông bởi ở ngoài trời quá lâu có thể khiến bạn bị giảm thân nhiệt hoặc gặp những chuyện không hay do tuyết rơi dày hoặc bão tuyết bất ngờ ập tới.
Lời khuyên là hãy tranh thủ di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe bus,… vừa an toàn, lại ấm áp nhờ hệ thống sưởi tự động trên xe. Cũng đừng lo đến chuyện tốn quá nhiều chi phí vào việc đi lại, bởi thông thường các nước luôn có chính sách giảm giá cho những ai có thẻ sinh viên.
Ăn đủ chất và no
Đừng nghĩ đến chuyện giảm cân vào mùa đông bởi thiếu chất sẽ làm bạn thấy lạnh và mệt hơn rất nhiều so với bình thường đấy!
Theo nhiều nghiên cứu, những thực phẩm giàu protein và chất béo như phô mai, thịt, cá,… có thể giúp cải thiện trao đổi chất, làm nóng người. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung các gia vị cay, thường xuyên uống trà, cà phê để giữ ấm cổ họng trong những ngày mùa đông giá rét.
Tuy nhiên, đồ uống có cồn lại là thứ nên gạt bỏ khỏi danh sách, dù chung thường đem lại cảm giác nóng người sau khi sử dụng. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y học Môi trường Mỹ cho biết, rượu khống chế một số phản xạ điều khiển nhiệt độ của cơ thể, đặc biệt là khả năng run rẩy. Bạn sẽ đổ mồ hôi, thậm chí mất nhiệt nhiều hơn sau khi uống đồ có cồn.
Tập thể dục thể thao
Mùa đông khiến ai cũng muốn… dính chặt vào chăn ấm nệm êm. Tuy nhiên, nếu biết tập thể dục có khả năng làm ấm, có lẽ bạn sẽ phải suy nghĩ lại.
Trong những ngày rét buốt, bạn có thể tập chống đẩy, yoga hoặc tìm kiếm các bài tập nhẹ nhàng trên mạng và thực hành trong nhà. Nếu trời ấm hơn, hãy tranh thủ chạy hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
Thể dục thể thao không những giúp bạn giữ ấm mà còn tăng cường sức đề kháng, giúp bạn khỏe hơn và phần nào hạn chế khả năng tích mỡ từ các thực phẩm giàu protein được khuyên dùng nói trên.
Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ
Hãy tập thói quen theo dõi nhiệt độ thường xuyên để lựa chọn thời điểm di chuyển và trang phục phù hợp trước khi ra ngoài.
Khi xem thời tiết, cố gắng chú ý những thuật ngữ sau nhằm đề phòng những biến chuyển bất thường của thời tiết trong ngày đông lạnh giá:
– Freezing Rain: tình trạng mưa đóng băng ngay khi vừa rơi xuống mặt đất, tạo thành lớp băng bao phủ mặt đường, lối đi, thậm chí là trên cây cối.
– Sleet: mưa đá, khiến mặt đường đóng băng và trơn trượt.
– Winter Weather Advisory: tình trạng thời tiết có khả năng gây bất tiện, thậm chí nguy hiểm cho người dân.
– Winter Storm Watch: có dấu hiệu bão mùa đông trong khu vực bạn sinh sống và cần theo dõi cẩn thận.
– Winter Storm Warning: cảnh báo bão mùa đông xuất hiện ở nơi bạn sống.
– Blizzard Warning: gió mạnh, có tốc độ lên tới 35 miles/h hoặc hơn, kèm theo tuyết rơi. Tầm nhìn có khả năng bị hạn chế tới dưới ¼ dặm trong vòng 3 tiếng trở lên.
– Frost/Freeze Warning: nhiệt độ có khả năng xuống đến mức đóng băng.
Các bạn nhớ giữ ấm cơ thể vào màu lạnh khi đi du học ở xứ lạnh và cố gắng học tập tốt nhé!
Biên tập viên: Cẩm Phạm